Rừng Thiền Huyền Không-Huế  

Posted by Chơn Minh in


RỪNG THIỀN
HUYỀN KHÔNG SƠN THƯỢNG
Một địa danh du lịch hành hương
ở Huế không thể nào quên

Chơn Minh góp nhặt

I- Địa điểm

Chùa Huyền Không Sơn Thượng (hoặc Huyền Không 2) cách cố đô Huế chừng 14 km về huớng Tây, thuộc thôn Đồng Chầm (Hòn Vượn), xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế .

Đến viếng chùa, du khách hành hương phải đi qua chùa Linh Mụ, theo con lộ dọc sông Hương, qua Văn Thánh, Võ Thánh, qua cầu Xước Dũ; rồi đi hơn 01 cây số nữa sẽ gặp ngã rẽ bên phải vào thôn Đồng Chầm.Từ đây, đi tiếp chừng 500 mét, hương lộ này sẽ cắt ngang đường chánh Huế, thẳng trước mặt sẽ thấy chiếc cổng làng Văn hóa thôn Đồng Chầm. Qua cổng này chừng 200 mét, bên phải có một tấm biển chỉ đường, theo lộ trình này, gần 3km nữa là đến núi Triều Sơn Phương tức Huyền Không Sơn Thượng.
Do đặc điểm địa lý - đồi tiếp đồi - nên đường vào chùa uốn lượn quanh co, nay đã được cải tạo, nâng cấp khá thuận lợi cho khách hành hương.


II- Cảnh quan, môi trường:
Năm 1988, hưởng ứng chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc của Nhà Nước - nhà chùa xin cấp 50 ha 4 để trồng cây gây rừng.Năm 1989-1990, nhà chùa vào đây để lập trang trại, dọn mặt bằng, đào giếng, tự ươm cây giống, trồng lúa, khoai sắn, bí bầu, rau cải… theo kế hoạch “lấy ngắn nuôi dài”.
http://huyenkhongsonthuong.blogspot.com/2009/12/rung-thien-huyen-khong-hue.html
Với chủ trương tự lực mưu sinh là chính nên giai đoạn đầu khá gian lao, vất vả. Các sư, các chú cùng một số Phật tử tình nguyện đã quen lao động chân tay nên việc gì cũng làm được.
Riêng trồng rừng, nhà chùa phải hợp đồng thuê mướn…Vậy là trải qua 17 năm, từ một vùng đồi núi hoang hóa, khô cằn, hố bom,không một bóng cây cao,bây giờ cây rừng đã khép tán, màu xanh bạt ngàn, tàn cao bóng lớn – tạo nên một môi trường thiên nhiên mát mẻ và trong lành.
Có chừng 5 - 7 ha là giữ lại cây rừng tự nhiên rất phong phú về chủng loại; nhiều dáng cây và nhiều sắc lá đan xen khá ngoạn mục.
Bên trong có một thung lũng, được gọi là “thung lũng treo”, rộng chừng 3 ha 7 - dành cho không gian chùa viện và vườn cảnh.
Nhờ cây rừng trồng và cây rừng tự nhiên và lớp cây thực bì che phủ đất; và nhờ 5 hồ nước điều hòa khí hậu nên rừng cảnh luôn luôn xanh tươi, ôn hòa, dễ chịu…
Mùa đông, bao giờ cũng lạnh hơn Huế chừng 2-3 độ C; mùa hè, lúc nóng nhất cũng chỉ có 34-35 độ C.
Nhờ đặc điểm sinh thái ấy nên hệ thưc vật và hệ động vật rất phong phú được duy trì gần với tự nhiên.Điều đặc biệt là nước giếng ăn uống rất tốt; và suốt 17 năm qua mọi người ở đây sức khỏe đều khả quan, chỉ có bớt bệnh chứ không thêm bệnh.

III- Quy mô Vườn Rừng:
Với một không gian thoáng đãng, rừng cây trên 50 ha bốn mùa xanh lá – nhà chùa đã dựa vào yếu tố thiên nhiên ấy để thiết kế thành 02 khu vực chính:
1- Ngoại viện:
Diện tích 30 ha, được chia thành hai không gian khá lớn:
1.1.- Không gian chùa viện: Chiếm diện tích 10.000m2
Chánh điện :Với phong cách kiến trúc dị giản, vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, ngói vảy cá - mang dáng dấp hồn Huế và hồn Việt, không ảnh hưởng cung đình,không bắt chước rồng
phượng, họa tiết Tàu, Nhật; không sơn phết sắc màu đền miếu dân gian…
Lấy sự hài hòa với thiên nhiên, với hồn thơ, hồn dân tộc, hồn của các giá trị nhân văn làm ý tưởng chủ đạo; nhẹ vai trò tôn giáo, tín ngưỡng mà xem trọng tâm hướng sống thiền, sống đạo trong tương quan nhân giới và nhiên giới.....
(Những câu thơ thư pháp Việt được trưng bày ở đây thường cố gắng hiển lộ nội dung ấy).


Chánh điện còn được gọi là chùa ngoài: ( Diện tích ước chừng 150 m2 )

1. nơi thờ Phật Thích Ca, thờ xá-lợi Phật cùng xá-lợi chư vị Thánh Tăng.để Phật   tử và khách thập phương đến lễ bái, cúng dường hoặc nghe Pháp.
2. chỗ tọa thiền và hai thời khóa công phu mỗi ngày của đại chúng. Cũng là nơi tổ chức các  buổi lễ chính trong năm như :Aan cư kiết hạ, lễ Dâng y tắm mưa, lễDâng y KaThina,Vesak, Các ngày rằm lớn , các buổi trai Tăng, chư Tăng làm lễ Uposatha  , giới tử xingiới, sám hối, thọ giới…
Hiên cột Chánh điện có ba cặp đối, thư pháp Việt được khắc chạm lên thân dừa:
“ Cư sĩ, rộng nương trồng hữu hạnh,
  Tăng nhân, y bát hướng vô công!”
“ Trúc tùng hạo hạo sum la sắc,
Lan thảo phân phân bát-nhã hương”
“ Nghe đạo, hương rừng theo gió đến,
Đọc thơ, trăng sáng vượt non về!”
Mặt tiền chánh điện, hướng minh đường, có 4 mảnh sân cao thấp liên hoàn - có trồng đủ loại cây cảnh kỳ hoa dị thảo . Tại mảnh sân thứ tư có chiếc cầu gỗ đi qua hồ nước; tiếp đến là chiếc cổng cổ lầu xi-măng giả tre - có một cặp đối:

“ Ngõ trúc, sương len hồn trí giả.
Cửa không, mây níu áo hiền nhân”
Am mây tía (Tử vân am)

Xung quanh trồng 5 khóm trúc vàng (lệ trúc , gợi nhớ Am Tử Tiêu ở núi Yên tử - là nơi ở, làm việc, uống trà, tiếp khách… của sư trú trì. Với diện tích chừng 80 m2, chiếc am này vóc dáng đồng bộ với ngôi chánh điện, kiến trúc mở - để thiên nhiên, cây lá, cỏ hoa tràn vào nhà. Xung quanh am có hồ nước, các lòai hoa thân thảo, thân mộc, phong lan, địa lan, cây cảnh thay nhau trưng bày bốn mùa, tám tiết…Và chữ, và thơ được treo quanh năm.

Bên trong am có cặp đối:

“- Bút vẫy rừng không, mây gió bâng khuâng, trăng sáng chữ,
Thơ chơi lũng vắng, khói sương lãng đãng, đá ngời văn!”
Mặt tiền am có hai cặp đối:
“- Bút dựng rừng tùng, mây nước lung linh, khách quý, gió thơm hương lá bối,
Thơ reo vườn trúc, khói sương bát ngát, bạn lành, nắng ấm sắc hiên văn!”
Cặp đối thư hai khá đặc biệt - vì mỗi vế có 91 chữ - nội dung, bên nói về “không”, bên nói về “có” theo triết lý của đạo Phật .

Nghinh lương đình:
Diện tích chừng 50 m2, cũng là nhà vuông, ngói móc và gỗ tạp lấy được từ rừng trồng; ba mặt để trống; không gian mở - được thiết kế với mục đích sử dụng:
- Khách thập phương có chỗ dừng chân,ngồi nghỉ, uống trà, đàm đạo…
- Thường trưng bày thư pháp Việt, Hán; đôi khi điểm xuyết hội họa,tranh tượng, ảnh nghệ thuật,
   hoa, cây cảnh…
- Hiện ở đây có một cặp đối:
“- Lãng đãng càn khôn, thơ thắp con tim, tình ấm lại.
Phiêu bồng nhật nguyệt, thiền soi nét bút, chữ trong hơn.”

Nhà khách :
Diện tích chừng 60 m2, nằm bên sau Nghinh lương đình; có 01 phòng lớn và 4 phòng nhỏ, dành cho 5, 7 Phật tử hoặc khách xa tạm thời nghỉ lại khi có công việc. Vật liệu cũng ngói và gỗ tạp; nội thất còn tạm bợ, thiếu thốn tất cả mọi tiện nghi - do chưa có điện.
Chúng hòa đường
Tăng xá Gồm một dãy nhà cấp 4, phỏng chừng 160m2, có 5 phòng; một căn nhà cấp 4, có 2 phòng - là nơi ở của Chư Tăng và chúng điệu. Tất cả còn sơ sài và tạm bợ. Đây được xem như là Tăng xá nếu có điều kiện xây dựng.
“- Bút ẩn sĩ, chút trăng soi giọt mực,
Trí sa-môn, tí lửa cháy câu kinh!”

Quá thiện đường (nhà trù):
Mấy ngôi nhà nhỏ liên kết với nhau - chừng 120 m2 - dùng làm nhà bếp, nhà thọ trai cho Chư Tăng và chúng điệu. Ở đây cũng có một cặp đối:
“- Bình bát rừng sâu, chim cúng trái,
Tâm thiền khe vắng, gió dâng hương!”
Cốc liêu chư Tăng :
Hiện có 7 cốc, diện tích mỗi cốc chừng 9 – 12 m2 - nằm rải rác ven núi, giữa vườn - thường dành cho các vị tỷ-kheo hoặc sa-di lâu năm, lớn tuổi. Chúng có những tên như sau: Tùng vân sơn cốc, Thạch vân sơn cốc, Tử vân sơn cốc, Tử tiêu sơn cốc,Ngọa vân sơn cốc, Lan vân sơn cốc…Vật liệu gồm gạch xây, ngói, gỗ, ván…trông dị giản, đồng bộ với toàn cảnh - .
Cốc liêu chư Ni
Cách xa Chánh điện, vể phía trái, chừng 50 mét, sát núi có một gác xây và lác đác vài cốc liêu nhỏ - thường dành riêng cho chư ni và tu nữ ở xa đến tu học, hành thiền.Vẫn còn thiếu thốn nhiều tiện nghi.
Cây cảnh
Trước đây có trên 500 chậu; nhưng do thiếu công chăm sóc - nên bây giờ, đa phần đã trả xuống đất rải rác quanh hồ, quanh vườn để nhằm trang trí vườn chùa .chỉ còn giữ lại chừng 200 chậu, chủ yếu là vài gốc mai già 50-100 tuổi, trà mi, đỗ quyên và một số hoa thân thảo khác.
Giàn phong lan Trước đây rất phong phú, ước chừng trên 1000 giò lan nội và ngoại. bây giờ thu nhỏ lại, chỉ còn hơn 200 giò – diện tích chừng 120m2.
1.2- Không gian nghệ thuật:
Vườn cỏ đá chỉ có cỏ xanh và đá xám nằm trên diện tích chừng 500 m2. với ý tưởng thể hiện là ngôn ngữ của Cỏ và ngôn ngữ của Đá.
Có mấy câu thơ trên đá:
“- Ta cúi xuống, nhặt dấu chân trên cỏ,
Thấy tiền thân, sương ướt, áo chưa khô”

“- Thương ai đá đứng, cỏ nằm,
Khói sương cảo lục - con trăng cõi về!”

“- Đá nằm trên đỉnh vô vi,
Chiêm bao bước xuống tà huy mấy nghìn!”

Không sơn thiền uyển
Đây là một cụm kiến trúc khá lớn, nằm trên không gian chừng 01 ha, 5 đất - gồm các công trình nghệ thuật dị giản - được kết hợp, tương hòa với thiên nhiên, với hồn quê, hồn thiền, hồn thơ và hồn chữ…
Không gian của Không sơn thiền uyển có :
- Ngũ hồ : mới đào được 3 hồ, diện tích chừng 0,5 ha.
1. Thủy nguyệt hồ : giữa có 2 đảo nhỏ, có Lãm thúy kiều ( bê-tông giả gỗ ) dài 5 mét, rộng 0,8 mét để đi vào đảo .
      1.1 Đảo lớn là Văn Bút đảo
vì có một chòi tranh hình nấm, có cây bút lông dựng giữa trời
      1.2 Đảo nhỏ là A-la-hán đảo
vì có cụm giả sơn để chưng thờ 18 vị A-la-
hán . Hồ được thả sen trắng, sen hồng .
2. Sơn ảnh hồ: nối với Thủy nguyệt hồ bởi một eo đất, có chiếc Giải trần kiều lát đá giả gỗ sát nước .
3. Hồ thư ba ( chưa có tên ) vì còn hoang dã .


- Đồi thông: Nằm trên một bán đảo, chừng 200 cây thông 15 năm tuổi, là bóng mát chủ yếu trong khu vực để thập phương ngồi chơi, thư giản, picnic…

- Thư pháp am: Đối diện với đồi thông, bên kia Sơn ảnh hồ - Am này có cấu trúc dị giản, toàn tranh tre, có chút nghệ thuật - là nơi quanh năm trưng bày thư pháp với những câu thơ được thay đổi theo mùa tiết, lễ hội trong năm.
Tại đây có một cặp đối:
“- Chữ chẳng là mây, thăm phố chợ, dạo non
xanh, sương khói lơ thơ hòa khí bút.
- Thơ đâu phải nước, ngủ suối trăng, mơ sông
biếc, rong bèo lác đác dệt tình văn”.
Ngoài ra, không gian này còn có: thảm có xanh quanh hồ, điểm xuyết hằng trăm cây cảnh lớn, hoa thân thảo, thân mộc; hai mái lương đình và 8 hiên thơ rải rác trên lối đi. Và ở đâu cũng có thơ! hai câu thơ lục bát:
“Ta còn hơi thở, nụ cười
- là còn bát ngát đất trời nguyên xuân” .
Ngôn ngữ nghệ thuật của Không sơn thiền uyển là tĩnh lắng, an bình, đạm phác và dân dã!
Dốc núi cuối cùng ở Huyền không nhìn bên trái có một ngọn đồi có tên là Độc thụ sơn (do trên đỉnh có một cây mít nài cổ thụ bám trên cụm đá đã hằng trăm tuổi), bên cạnh có mái lương đình có tên là Bạch vân hiên để cho khách có chỗ nghỉ chân - đúng như câu thơ đề ở đây:
“-Đầu non dựng một mái nhà –
để cho mây trắng ta bà ghé chơi!”
chùa đã trồng hơn 5 vạn cây thông - nên đặt tên dãy núi này là Vạn tùng sơn.Trong tương lai nhà chùa sẽ thiết kế thêm những công trình nghệ thuật : Nhà và cảnh trưng bày hội họa, ảnh nghệ thuật, Vườn tượng nghệ thuật…
Khu Triển Lãm Dành để triển lãm thư pháp nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên chưa tổ chức được một cuộc triễn lãm nào.



2- Nội viện:
Nếu ngoại viện là nơi để cho Phật tử các giới lui tới học đạo, hỏi đạo, làm phước, cúng dường …; để cho thập phương bá tánh có chỗ tham quan, du lịch văn hóa, sinh thái…thì nội viện là nơi hoàn toàn dành cho sự tĩnh tu. Và đây là không gian biệt lập, là Rừng Thiền để cho hành giả tu tập Samatha (thiền định, thiền chỉ) và Vipassanā (thiền quán, tuệ quán, minh sát). Đây là mô hình tương tợ các Rừng Thiền ở Thailand và Myanmar, chưa hề có ở Việt Nam.
Hiện nay, Thiền đã là sản phẩm chung cho văn minh tâm linh của nhân loại. Ít nhất, Thiền đã được đưa vào trên 250 trường Đại học lớn trên thế giới, đã đưa vào hằng trăm bệnh viện và con bệnh không có thuốc thang nào có thể chữa trị được.
Thiền định và thiền tuệ giúp con người ổn định tâm sinh lý, điều hòa âm dương thủy hỏa (tâm bình, khí hòa), làm lắng dịu, tiêu tan tất cả phiền lụy, đau khổ và mọi căn bệnh nguy khốn của thời đại. Đây là con đường tự cứu mình và cứu đời mà Phật giáo có thể hiến tặng cho nhân loại một cách vô công, vô danh và vô vị lợi…
Nếu điều kiện cho phép thì Rừng Thiền sẽ có :
 một Thiền Đường 100-150 chỗ ngồi lấy tinh thần đặc thù của các nước
PG Theravāda đan xen dân tộc tính làm nghệ thuật kiến trúc chủ đạo.
Thiền đường dung để :
- Tọa thiền tập thể
- Giảng pháp hành.
- Họp đại chúng.
Cốc cho thiền sư tịnh chỉ thoáng mát, phòng vệ sinh bên trong; và nhất
là một căn phòng cho thiền sinh đến trình pháp.
Cốc liêu cho hành giả , Cốc cho Phật Tử : khoảng 30 thiền thất dành
cho hành giả tu tập. Mỗi liêu thất như thế phải có các nhu cầu tối thiêu
về ăn ở, lối kinh hành, tọa thiền, điện, nước, vệ sinh.. diện tích chừng
24m2.
Các công trình phụ:
1. Công trình vệ sinh công cộng dành cho Tăng, Ni và nam nữ cư sĩ.
2. Công Trình điện nước chiếu sáng vì hiện tại chùa chưa có điện .
3. Công trình giao thông nội bộ : phải được tính toán, thực hiện sao
cho mỹ quan và tiện ích.
Kết luận.
Sau khi đi thăm thú nhiều nơi, trong và ngoài nước; thấy rõ Rừng Thiền Huyền Không Sơn Thượng như phác thảo ở trên sẽ đáp ứng được hai nội dung quan trọng của Phật giáo: Đấy là sinh hoạt văn hóa nghệ thuật (ngoại viện) và sinh hoạt tâm linh tu chứng (nội viện). Là một mô hình tương đối cần thiết cho PGNT hiện nay ở Việt Nam và Thừa Thiên-Huế.
Trong 17 năm qua, nhà chùa đã thực hiện được 4/10 công trình; 6/10 còn lại đang chờ đợi nhân duyên đến từ những Phật tử giàu tín tâm, các nhà hảo tâm, từ những người bạn lành…
Xin hồng ân chư Phật gia hộ sự an lành và những việc làm có ý nghĩa cho tất cả chúng ta.



Viết tại Am Mây Tía,
đầu mùa An cư năm Đinh Hợi ( 2007)
Tỳ-khưu Giới Đức
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)

This entry was posted on 22 tháng 12, 2009 at 00:14 and is filed under . You can follow any responses to this entry through the comments feed .

0 nhận xét

Đăng nhận xét